0906.132.199 Đặt hàng theo yêu cầu

Thực trạng và phương hướng phát triển của thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam hiện nay

29/11/2021 - 07:42 PM - 239 lượt xem


1. Thị trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam
Thực phẩm an toàn là một khái niệm ra đời khá lâu ở các nước phương Tây từ những năm 40 của thế kỉ trước (Klonsky and Tourte, 1998). Theo đó, thực phẩm an toàn có nguồn gốc từ các sản phẩm hữu cơ. Mặc dù có nhiều nghiên cứu về thực phẩm an toàn nhưng vẫn chưa có một sự thống nhất cao giữa các nhà nghiên cứu về định nghĩa thực phẩm an toàn và thường được định nghĩa bởi các dấu hiệu, đặc tính về mặt sinh học, như: được sản xuất tự nhiên, sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, sản phẩm bền vững và sử dụng hữu hạn các chất hóa học nhân tạo.
Thị trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam sau một giai đoạn phát triển tương đối nhanh,  nay đang có dấu hiệu chậm lại. Mặc dù, thực phẩm an toàn được đánh giá là sản phẩm an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường…, lẽ ra sẽ phải có những bước phát triển nhanh, mạnh và ổn định, nhưng thực tế diễn biến trên thị trường  lại không như mong đợi. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, thực phẩm an toàn đang trải qua một giai đoạn khó khăn, chậm phát triển do một loạt các nguyên nhân, như: thiếu tiêu chuẩn sản xuất, người tiêu dùng và ngay cả các nhà bán lẻ khó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, khó tìm hiểu được quy trình sản xuất… (Thanh Giang, 2018). Để hiểu được nguyên nhân của những bất cập này, tác giả đã tiến hành tìm hiểu một cách cặn kẽ thị trường thực phẩm an toàn kể từ ngày đầu hình thành và phát triển cho tới nay.
2. Sự hình thành và phát triển của thị trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam
Sự hình thành của thực phẩm an toàn đã bắt đầu từ giữa những năm 90 của thế kỉ trước, mang tính tự nhiên nhiều hơn là phù hợp với tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế về thực phẩm an toàn như IFOAM.., và không phải xuất phát từ thị trường trong nước, mà do phục vụ cho thị trường xuất khẩu…Bắt nguồn từ sự “sợ hãi” của người tiêu dùng với tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn ở thị trường Việt Nam, các nhà sản xuất đã phải tìm hướng mới cho thực phẩm là thực phẩm an toàn.
Trên thực tế, chỉ cần vào Google, đánh từ khóa “thực phẩm bẩn”, có tới hơn 17 triệu kết quả được trả về chỉ trong 0,47 giây. Những phát biểu của các chuyên gia, những người nổi tiếng về thực phẩm bẩn thậm chí còn trở thành câu cửa miệng của nhiều người tiêu dùng, như: “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế”… điều này được chứng minh bởi số vụ ngộ độc thực phẩm ở nước ta đang ở mức cao (Hình 1).

Có thể thấy, số vụ ngộ độc thực phẩm ở nước ta có xu hướng giảm, cả về số người mắc và số vụ, nhưng số người chết thì lúc tăng, lúc giảm. Thêm vào đó, tuy xu hướng giảm nhưng vẫn ghi nhận ở mức cao, với hơn 3.869 người mắc vào năm 2017. Đó là chưa kể, nhiều loại thực phẩm độc hại, nhưng không phát tác ngay mà ngấm từ từ vào cơ thể người tiêu dùng, tích lũy và gây bệnh về sau, trong đó điển hình nhất là ung thư, một loại bệnh được dự báo là sẽ sớm trở thành đại dịch của Việt Nam và có nguyên nhân chính xuất phát từ thực phẩm bẩn (Dạ Thảo, 2017). Trước tình hình đó, người tiêu dùng đã phải tìm cách tự bảo vệ mình bằng việc tìm kiếm những thực phẩm an toàn cho bản thân và gia đình. Những thuật ngữ sản phẩm an toàn, thực phẩm an toàn dần trở nên phổ biến hơn và các sản phẩm này ngày càng thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là người tiêu dùng thành thị. Từ khóa “Thực phẩm an toàn” được Google trả về với hơn 96 triệu kết quả trong 0,73 giây là một minh chứng cho điều này.
Theo báo cáo của Ipsos Business Consulting, năm 2016, khái quát về thực trạng của thị trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam có thể chia làm 2 mục chính:
Thứ nhất: Về tình hình sản xuất. Đến năm 2014, Việt Nam đã có 43,01 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp an toàn (Hình 2).

Với tốc độ phát triển nhanh chóng, diện tích đất nông nghiệp an toàn của Việt Nam đã đứng thứ 56/172 nước trên thế giới, đứng thứ 3 trong khối các nước Đông Nam Á (Ipsos Business Consulting, 2016). Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp an toàn mới chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số 26,8 triệu ha đất nông nghiệp của Việt Nam, với tổng số 33/63 tỉnh, thành phố có sản xuất nông nghiệp an toàn. Việt Nam là nước nông nghiệp, có nền sản xuất nông nghiệp lâu đời, tiềm năng sản xuất sản phẩm an toàn nói chung và thực phẩm an toàn vẫn còn rất lớn.
Thứ hai: Về thị trường thực phẩm an toàn. Thị trường sản phẩm an toàn của Việt Nam hiện vẫn phục vụ xuất khẩu là chính với hơn 550 triệu Euro (năm 2014). Thị trường nội địa chủ yếu là thực phẩm, rau quả an toàn với doanh thu ước tính trên 2 triệu Euro (năm 2014). Tổng giá trị thị trường thực phẩm an toàn của 2 tỉnh thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khoảng 400 tỷ đồng/năm (Thanh Giang, 2018). Trong khi, chi tiêu cho sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam đang có dấu hiệu tăng, trung bình là trên 6% thu nhập, đặc biệt là có đến 47% người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm tới thực phẩm tươi và tự nhiên (Nielsen, 2014). Như vậy, tiềm năng phát triển thực phẩm an toàn ở Việt Nam còn rất lớn.
3. Tồn tại của thị trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam hiện nay
 Thực phẩm an toàn thật giả khó phân biệt
Có một thực tế là người tiêu dùng rất khó phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn thật, đâu là thực phẩm đội lốt thực phẩm an toàn. Mặc dù người tiêu dùng sẵn sàng trả một mức giá cao hơn để hi vọng vào một sản phẩm có chất lượng tốt hơn, bằng cách tìm đến những nơi bán thực phẩm với giá cao, như siêu thị, nhưng vẫn chưa chắc chắn vì thực tế đã có nhiều vụ việc trà trộn rau không an toàn vào siêu thị đã bị phanh phui mặc dù các sản phẩm đó đều có gắn mác là an toàn.
Sự nhập nhằng của các siêu thị một phần là do người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là thực phẩm “sạch” và đâu là thực phẩm “bẩn”, họ chỉ còn biết trông mong vào uy tín và lương tâm của người bán, nhưng đứng trước mức lợi nhuận khủng do những hành vi gian dối mang lại, các siêu thị vẫn “sẵn sàng” lừa dối khách hàng. Điều đó làm cho thị trường thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn ở Việt Nam thực sự gặp nhiều khó khăn khi niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm này không còn nhiều.
Như vậy, theo các chuyên gia thì thực phẩm an toàn không hẳn là chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm an toàn thúc đẩy hành vi mua của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính người tiêu dùng Việt Nam chuộng thực phẩm an toàn còn do xuất phát từ nỗi “sợ hãi” với thực phẩm bẩn tràn lan. Thực tế này đã làm xuất hiện một số khách hàng hoài nghi về chất lượng của thực phẩm an toàn, qua đó hoài nghi về các tuyên bố dinh dưỡng của người bán hàng, cũng như nhà sản xuất thực phẩm an toàn.
4. Phương hướng phát triển của thị trường thực phẩm an toàn
Thực phẩm an toàn trong thời gian tới vẫn sẽ là sản phẩm được người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng thành thị Việt Nam quan tâm. Sự phát triển sản phẩm này là một xu thế rất khó đảo ngược, tuy nhiên tốc độ phát triển của thị trường này vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Với sự xuất hiện của Nghị định 109 và bộ tiêu chuẩn Việt Nam về thực phẩm an toàn, hành lang pháp lý cho sự phát triển của thị trường đã dần được hoàn thiện. Song, để thị trường thực phẩm an toàn phát triển nhanh và lành mạnh còn rất nhiều việc phải làm.
Thứ nhất là, phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu biết hơn về thực phẩm an toàn. Khi sự hiểu biết của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn tăng lên, người tiêu dùng sẽ trở thành người tiêu dùng “thông thái”, họ sẽ sáng suốt hơn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, từ đó tạo ra một tác động kép là ủng hộ các nhà sản xuất làm ăn chân chính và hạn chế các nhà sản xuất làm ăn chụp giật, lừa đảo, gian dối. Những hành vi “nhập nhèm”, “tự xưng”, “tự phong”, “trà trộn”, “đội lốt” trong thị trường thực phẩm an toàn của những nhà sản xuất, nhà phân phối cơ hội, không đàng hoàng sẽ bị đào thải, thị trường thực phẩm an toàn sẽ trở lên lành mạnh hơn.
Thứ hai là, Nhà nước sớm ban hành bộ hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ tạo điều kiện cho thị trường thực phẩm an toàn hoạt động. Phải nghiên cứu kĩ các điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các nhà sản xuất làm ăn chân chính phát triển; đồng thời phải xây dựng bộ công cụ kiểm tra, giám sát thật mạnh, nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm; cùng với đó là các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để những người có ý đồ không tốt, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn, sự buông lỏng quản lý của cơ quan hữu quan mà thực hiện các hành vi vi phạm.
Thực phẩm là một ngành hàng quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn tới không chỉ sức khỏe của một người, mà của cả một thế hệ, một dân tộc. Vì vậy, các chính sách đưa ra phải đầy đủ để khuyến khích, thúc đẩy khát khao làm giàu chính đáng của những cá nhân, tổ chức tham gia vào kênh phân phối, đồng thời ngăn chặn những người có mong muốn làm ăn bất chính, họ có muốn cũng không dám làm.
Theo Tạp chí Công Thương
 

Các bài viết khác
Tư vấn & Liên hệ hợp tác
Liên hệ ngay để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất
Đăng ký nhận bản tin
Để lại email để nhận được thông tin khuyến mãi sớm nhất
Thông tin liên hệ
Công ty TNHH Phúc Bảo Ngọc
Fanpage Facebook
Copyright @ bản quyền thuộc về phucbaongoc.com.vn. Thiết kế website bởi Tất Thành
Online: 1Tổng truy cập 88.535